Dòng tiền tích lũy cuối năm nay có đổ vào bất động sản?

Thứ ba - 07/01/2020 03:35
Cận Tết, thị trường lại quan tâm đến việc dòng tiền tích lũy của người mua sẽ đổ vào kênh đầu tư nào. Với BĐS, năm nay khác gì các năm trước khi mà động thái ồ ạt đi tìm đất cuối năm không còn rõ nét.
TIN MỚI

Người mua thực vẫn còn “e dè”

Quan sát thị trường BĐS cận Tết năm nay thấy rõ, lượng người đi mua đất vào dịp cuối năm bằng tiền tích lũy có vẻ thưa hơn hẳn so với các năm về trước. Một phần vì thị trường không còn nhiều sản phẩm để lựa chọn, phần vì theo khách mua, họ cũng không tự tin để mua nhà đất ở thời điểm này.

Chia sẻ của một khách đang tìm mua căn hộ tại Q.2, Tp.HCM, được biết, nguyên nhân chính là giá nhà đất tại Sài Gòn đã lên quá cao, tiền tích lũy cộng lương, thưởng cuối năm của vợ chồng “không thấm vào đâu” so với giá nhà đất. Nếu liều để mua thì lại sợ gánh nặng. “Vì thế, đi tìm mua nhà ở cũng trong trạng thái “nước đôi”, nửa rất muốn, nửa lo sợ”, người này chia sẻ.

Dòng tiền tích lũy cuối năm nay có đổ vào bất động sản? - Ảnh 1.

Đối với những người mua đất nền để xây nhà sau đó hoặc mua nhà phố đã xây sẵn trên đất có lẽ còn tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều. Nếu cách đây 2 năm, các nền đất, căn nhà ven Tp.HCM như Q.12, Q.9, Q.Bình Tân…, người mua thực đổ xô đi tìm kiếm vào dịp cận Tết là chuyện thường thấy, thì hiện tại tình hình trái ngược.

Dù vẫn có hoạt động tìm kiếm BĐS giáp Tết nhưng thưa thớt và giảm rõ nét. Theo những người mua thực, trước việc đất pháp lý chưa rõ ràng rộ lên suốt thời gian qua khiến họ không còn tự tin để tìm mua đất. Chưa kể, việc thổi giá, làm giá từ cò đất, khiến họ cũng bị loạn giá, mỗi người hét một kiểu, không biết đâu là giá thực để mua vào. Trong khi đa số những người đi mua thực đều khiêm tốn về dòng tiền, chủ yếu là tiền tích cóp hoặc vay mượn người quen.

“Thực sự, với số tiền tích lũy hiện có, vợ chồng tôi cũng chỉ mong có được miếng đất đàng hoàng để xây nhà ở nhưng tìm kiếm suốt mấy tháng qua vẫn chưa chốt được. Miếng đất đã có sổ thì giá cao quá, thiếu tiền gần phân nửa. Miếng chưa ra sổ thì lo nơm nớp không rõ có ra được sổ để xây nhà hay không”, Chị V., sống tại Q.9, Tp.HCM giãi bày.

Nhà đầu tư: Cân nhắc đủ đường!

Đây cũng là thời điểm những NĐT có dòng tiền thường tìm kiếm BĐS để đầu tư và có thể chốt lời vào giữa - cuối năm sau. Nhưng, nhìn chung thị trường BĐS Tp.HCM có dấu hiệu chững khiến NĐT cũng cân nhắc đủ đường. Mặc dù họ vẫn tìm kiếm những khu vực giá giảm hoặc còn biên độ tăng giá ổn trong năm 2020 để mua vào nhưng nhìn toàn diện thì những khó khăn trong việc tái dòng tiền đầu tư là thực tế thấy rõ ở thời điểm này.

Khá nhiều NĐT cân nhắc dòng tiền của mình nên bỏ vào BĐS hay luân chuyển sang kênh khác và đợi thời điểm thị trường tốt lên. Thực tế tìm hiểu cho thấy, khá nhiều NĐT có dòng vốn nhàn rỗi đã “tạm thời” bỏ vào ngân hàng để chờ thời điểm thích hợp “xuống tiền” với BĐS.

Bên cạnh đó, không ít NĐT cân nhắc với các phân khúc BĐS để đầu tư ở thời điểm này. Đây cũng là một điểm khác biệt so với các năm trước. Với thị trường cách đây 2 năm, giáp Tết là thời điểm NĐT ít tính toán với phân khúc đầu tư, dòng tiền hầu hết rải đều ở các phân khúc BĐS, trong đó đất nền vẫn nhỉnh hơn. Thì năm nay không ít NĐT “nói không” với đất nền và căn hộ và bắt đầu tìm kiếm các dự án BĐS nghỉ dưỡng ở khu vực ven biển với kì vọng đầu tư sinh lời lâu dài.

Ngoài ra, một số NĐT khác lại cân nhắc “thời điểm” xuống tiền mua BĐS dịp cuối năm. Bởi theo họ, cuối năm thường các NĐT có sản phẩm ra hàng và chốt lợi nhuận, nếu mua ở thời điểm họ quá sốt sắng về tiền nong dễ dẫn đến tình trạng “làm giá ảo”, chẳng hạn nếu không mua trước Tết sẽ không có giá đó sau Tết…

Dòng tiền tích lũy cuối năm nay có đổ vào bất động sản? - Ảnh 2.

Chính sự cân nhắc này mà có những trường hợp NĐT “bỏ lỡ” cơ hội thì một số NĐT mua phải giá “hớ”.

TS Võ Trí Thành thì cho rằng, cái đáng lo ngại nhất hiện nay của thị trường BĐS là niềm tin đang ở mức báo động. Câu chuyện niềm tin vào thị trường BĐS đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến bức tranh chung của thị trường.

Trong khi đó, nhìn về thị trường BĐS, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta cũng không nên quá bi quan về thị trường BĐS. Thực tế, đây là thời điểm thị trường đang sàng lọc để đi vào ổn định. Những chỉ số về tín dụng vào BĐS vẫn rất khả quan.

Hạ Vy

Theo Trí thức trẻ

Nguồn tin: http://cafef.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây