Ngày 31/12/2019, HĐQT Tập đoàn Masan (MSN) đã thông qua nghị quyết về việc hoán đổi cổ phần với Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và dịch vụ VCM.
Theo đó, Masan sẽ nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VCM và phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất là công ty con của công ty này, và công ty hợp nhất này sẽ sở hữu cổ phần/phần vốn góp và vận hành cả 2 công ty gồm VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings.
Tỷ lệ sở hữu của Masan và Vingroup trong công ty mới vẫn chưa được công bố tuy nhiên thông báo hồi đầu tháng 12/2019 cho biết Masan sẽ là bên nắm cổ phần chi phối cũng như quyền điều hành. Hiện VCM đang sở hữu 100% cổ phần của Vincommerce (đơn vị trực tiếp vận hành chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+) và Vincommerce nắm giữ 100% cổ phần của VinEco.
Theo quan điểm thị trường, việc sáp nhập VCM giúp Masan sở hữu hệ thống cửa hàng bán lẻ rộng khắp, thông qua đó phân phối các sản phẩm tiêu dùng của chính công ty. Riêng với mảng MEATDeli, việc tích hợp hệ thống dự kiến sẽ giúp chuỗi có khoảng 136 siêu thị VinMart và 2.088 điểm bán VinMart+ đến năm 2020.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) không phủ nhận điểm sáng từ mảng tiêu dùng, song đơn vị này cho rằng thương vụ M&A trên sẽ khiến hoạt động kinh doanh của Masan khó đoán hơn trong tương lai.
Chi tiết, sáp nhập với VCM có thể có tác động lớn lên hoạt động kinh doanh của Masan về dài hạn; trong đó việc sở hữu kênh bán lẻ này đang dần trở nên quan trọng khi VCSC cho rằng sự vươn lên mạnh mẽ của các chuỗi bán lẻ lớn tại Việt Nam sẽ khiến các công ty FMCG ngày càng phụ thuộc vào các chuỗi bán lẻ này trong việc tiếp cận người tiêu dùng.
Song, ở chiều ngược lại, Masan sẽ đảm trách một mảng kinh doanh đầy thách thức là VinCommerce mà trong đó Tập đoàn chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai; đồng thời VinCommerce cũng đã ghi nhận các khoản lỗ lớn trong trong quá khứ (dựa theo báo cáo kết quả kinh doanh theo bộ phận của Vingroup), VCSC cho hay.
Thực tế, tâm lý cẩn trọng của nhà đầu tư đối với thương vụ sáp nhập với VinCommerce (VCM) cũng được thể hiện qua việc giá cổ phiếu MSN giảm khá mạnh trong thời gian qua. Hiện, thị giá MSN đang dần hồi phục song vẫn còn thấp so với thời điểm trước khi công bố thông tin, chốt phiên 3/1 tại mức 57.500 đồng/cp.
Về Masan, động thái đáng chú ý mới nhất hậu M&A, Masan chuẩn bị gia nhập thị trường Chăm sóc nhà cửa và cá nhân (HPC) thông qua thâu tóm Bột giặt NET. Nếu Masan thâu tóm NET thành công, VCSC cho rằng tăng trưởng doanh thu của NET sẽ cải thiện khi tận dụng hệ thống phân phối sẵn có và khả năng xây dựng thương hiệu của Masan.
Mặc dù vậy, trong các mảng kinh doanh hiện hữu, MEATLife (MML) được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất của Tập đoàn trong tương lai. Với chất lượng sản phẩm tốt của thịt MEATDeli cùng khả năng xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối của Masan, VCSC cho rằng MEATLife có thể sẽ trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường thịt heo quy mô 10 tỷ USD (theo Masan) của Việt Nam.
Ra mắt vào cuối năm 2018 nhưng đến tháng 1/2019, MEATDeli đã có 44 điểm bán tại Hà Nội. Hiện, MEATDeli tiếp tục phát triển nhanh chóng, phục vụ hơn 800.000 người tiêu dùng với hơn 410 điểm bán tại Hà Nội và Tp.HCM. MEATDeli đã đạt 55%+ thị phần tại Vinmart, có mặt tại BigC, dự kiến đạt 30%+ thị phần Co.op Mart, cán mốc 550 điểm bán trong năm 2019.
Theo Trí thức trẻ
Nguồn tin: http://cafef.vn
Ý kiến bạn đọc